[LONGFORM] - LÝ LUẬN VĂN HỌC CHO HỌC SINH GIỎI | VĂN HỌC CHIẾN TRANH VIỆT NAM SAU ĐỔI MỚI

Ngày 15/04/2021 15:35:30, lượt xem: 2653

 

Từ năm 1975 đến năm 1986, nhiều nghệ sĩ - chiến sĩ đã vừa mặc áo lính vừa tiếp tục cầm bút, lấy nguồn cảm hứng từ cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước để viết nên những áng hùng ca bất tử. Ta có “Mở rừng” của tác giả Lê Lựu, “Miền cháy”, “Lửa từ những ngôi nhà” của nhà văn Nguyễn Minh Châu, “Nắng đồng bằng” của tác giả Chu Lai, “Năm 1975 họ đã sống như thế” của nhà văn Nguyễn Trí Huân, “Thung lũng thử thách”, “Họ cùng thời với ai” của tác giả Thái Bá Lợi,... đều là những tác phẩm xuất sắc xoay quanh những người lính và chiến trường Việt Nam rực lửa. Các tác phẩm thời kỳ này mang xu hướng khắc họa và tái hiện, nên dù đậm tính hiện thực khốc liệt nhưng vẫn mang yếu tố đặc trưng của bút pháp sử thi tựa như những bản anh hùng ca.

 

Từ năm 1986, khi đất nước bước vào công cuộc Đổi Mới, đề tài chiến tranh được khai thác ở những góc nhìn đa dạng hơn, giàu chất tiểu thuyết hơn. Văn học chiến tranh thời kỳ này đã thể hiện sự chuyển mình, sự đột phá quan trọng về tư duy nghệ thuật của người cầm bút. Không giống với thời kỳ trước, từ việc khắc họa và tái hiện, các tác giả đã chuyển sang hồi tưởng và suy ngẫm. Các nhà văn kể về quá khứ “một thời đạn bom” chủ yếu bằng điểm nhìn bên trong, bằng tâm tư, tình cảm sâu sắc của những người đã trực tiếp trải qua khoảng thời gian đầy đau thương ấy. Dư âm, dư chấn của cuộc chiến mãi đeo đẳng khiến những người cầm bút như nhớ lại, sống lại năm tháng chiến tranh để ghi lại một thời gian khổ, bi tráng mà bản thân, đồng đội và cả dân tộc đã trải qua.

 

 

Vượt qua lối mòn và cũng là rào cản của bút pháp sử thi ở thời kỳ trước đó, văn học về đề tài chiến tranh thời kỳ này gia tăng chất đời thường, gia tăng gương mặt phụ nữ, trẻ em nhằm nỗ lực bổ khuyết những mặt khuất lấp của chiến tranh, tô đậm thêm bi kịch của chiến tranh với sức hủy diệt và những di chứng kinh hoàng mà nó để lại. Từ đó, tiếng nói tố cáo và tinh thần nhân đạo như có sức nặng hơn, sâu sắc hơn và thẫm đẫm tính triết lý hơn.

 

 

 

Có thể coi “Thời xa vắng” của nhà văn Lê Lựu là đột phá của tiểu thuyết Đổi Mới. Giang Minh Sài trong truyện là một nhân vật bi kịch, bi kịch của sự ngộ nhận, đánh mất bản ngã. Bi kịch của kẻ nô lệ sống theo sự dẫn dắt của người khác. Nói “Thời xa vắng” là một tác phẩm có ý nghĩa đột phá, Đổi Mới bởi ở tác phẩm này, cái nhìn nghệ thuật về cuộc sống và con người đã biến đổi quan trọng: Đó là cái nhìn về xu thế ngày càng trở nên phức tạp hơn của hiện thực xã hội - tập thể và con người - cá thể. Tiểu thuyết của nhà văn Lê Lựu đánh dấu cột mốc chuyển biến của văn học từ sự quan tâm triệt để đến “tập thể” chuyển sang hướng ngòi bút nhiều hơn đến “cá thể”.

 

Một trong những điểm nhấn nổi bật khác của văn học chiến tranh là tác phẩm “Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng, được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, được dựng thành phim. Tác phẩm là tiếng nói chân thật và đau xót về cuộc sống những con người ở làng quê nghèo Bắc Bộ. Nhà văn Nguyên Ngọc từng nhận xét: “Đến “Bến không chồng” của Dương Hướng thì tiếng kêu thét của cá nhân bị vùi lấp càng mạnh mẽ, thống thiết hơn: một con người quá tốt, suốt đời lo cho hạnh phúc của mọi người, nhưng đến một chút hạnh phúc của riêng mình thì không bao giờ dám, coi một chút hạnh phúc riêng tư là tội lỗi như một tội ác”.

 

Riêng với nhà văn Nguyễn Minh Châu - người có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với văn học Việt Nam, trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam và thời kỳ đầu của Đổi Mới, ông đã xác lập lên một hệ tư tưởng và quan điểm thẩm mỹ riêng về nghệ thuật. Thông qua người đàn bà làng chài cam chịu trong “Chiếc thuyền ngoài xa”, nhân vật người vợ cũ tha thiết mong chồng trở lại trong “Cỏ lau”,... Nguyễn Minh Châu đã đưa ngòi bút lách sâu vào những nỗi niềm không dễ nói bằng lời của con người Việt Nam khi chiến tranh đã qua đi, nhằm đưa nghệ thuật gần hơn đến với đời sống thường nhật của con người.

 

 

Trong lĩnh vực truyện ngắn, “Tướng về hưu” của tác giả Nguyễn Huy Thiệp ghi một dấu ấn đặc biệt trong cảm hứng bi kịch thời bình. Nhân vật Tướng Thuấn là nhân chứng bất đắc dĩ cho sự thật hãi hùng của nỗi ám ảnh đồng tiền trong xã hội hậu chiến. Ông không còn tìm thấy ý nghĩa gì để sống trong chính ngôi nhà của mình, trước hành động vô nhân tính đến kinh ngạc của người con dâu và sự lạnh lùng của những đứa con. Ông thấy lạc lõng, lạc lõng đến chết.

 

Bên cạnh đó, văn học chiến tranh Việt Nam trên con đường mới còn được củng cố bởi những tác phẩm có giá trị khác như “Cao hơn bầu trời”, “Mùa hè giá buốt” của tác giả Văn Lê, “Rừng thiêng nước trong” của nhà văn Trần Văn Tuấn, “Đỉnh máu” của tác giả Nguyễn Bảo, “Dòng sông mang lửa” của nhà văn Hồ Sỹ Hậu…Những sáng tác về chiến tranh trong bối cảnh mới có sức nặng, đánh động vào trái tim con người thời hậu chiến bằng tất cả những sự phong phú và trắc ẩn của đời sống, tâm hồn từng bị bỏ quên trong thời chiến.

 

 

Như một sứ mệnh bất diệt của văn chương, văn học chiến tranh sau Đổi Mới đã hoàn thành xuất sắc việc truyền tải sâu sắc giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo đến với người đọc. Ta như được sống lại trong nỗi đau thương khôn nguôi của quá khứ nhưng cũng đồng thời cảm nhận được những tình cảm chân thành nhất trong thời kỳ gian khổ ấy. Để rồi, ta nhận ra rằng niềm đau không chỉ tồn tại trên chiến trường, không chỉ nằm ở xương máu hay mồ hôi của những người chiến sĩ đã anh dũng hi sinh, mà còn tồn tại ngay trong tâm can những người còn ở lại và trong những câu chuyện đời thường nhất, giản dị nhất.

 

Văn học Việt Nam đã và đang tiếp tục hội nhập, vươn mình tới sự phát triển chung của nhân loại ở nhiều khía cạnh, nhưng không vì thế mà đánh mất đi bản sắc riêng. Một đất nước giàu truyền thống văn hóa lịch sử; một dân tộc hiên ngang đi qua hai cuộc kháng chiến đau thương chống Thực dân, Đế quốc xâm lược không thể “khép lại quá khứ” ở nhiều phương diện, trong đó bao gồm cả sáng tạo nghệ thuật. Vì vậy, văn học chiến tranh sau năm 1986 trở đi đa phần là tiếng nói của những chấn thương. Những chấn thương tuy dai dẳng, nhưng người đọc thế hệ sau này có thể nhìn lại, để sống tiếp một cuộc đời sáng tươi hơn, song không bao giờ lãng quên quá khứ. Bởi “có một thứ mạnh hơn cái chết, đó là ký ức về những người đã khuất trong trí nhớ của người đang sống”.

 

 

Bài viết tham khảo tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau.

 

Để làm chủ bài văn, các em có thể đăng ký khóa học 10 NGÀY "CHẠY" VĂN

ĐĂNG KÍ KHOÁ HỌC TẠI ĐÂY!

 

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan